Bình Thuận: Thúc tiến độ sân bay và giao thông để phát triển du lịch

Bình Thuận: Thúc tiến độ sân bay và giao thông để phát triển du lịch

(Xây dựng) – Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, hiện nay chủ trương của tỉnh là phải thúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng sân bay và giao thông nội tuyến để phục vụ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch và hạ tầng nghỉ dưỡng ven biển.


Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận về những vấn đề liên quan đến chiến lược của tỉnh trong điều hành chính sách nhất là về phát triển du lịch và hạ tầng nghỉ dưỡng trên địa bàn của địa phương này.

PV: Xin ông cho biết Bình Thuận hiện nay đang phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Kết luận số 76 của Bộ Chính trị thì xác định tỉnh Bình Thuận có ba trung tâm chính. Thứ nhất là trung tâm năng lượng, thứ hai là trung tâm du lịch thể thao biển và trung tâm thứ 3 là trung tâm chế biến sâu sa khoáng titan.

Trong đó trung tâm du lịch biển là một trong những trung tâm trọng điểm. Tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển là 192km diện tích lãnh hải là 52.000km². Nơi đây có nhiều nắng nhiều gió và đặc biệt có hai mùa là mùa khô vào mùa mưa. Như vậy có thể khai thác các hoạt động du lịch biển quanh năm, đó là ưu điểm hơn so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Nhiều nắng, nhiều gió nên địa phương rất thuận lợi cho quá trình phát triển các môn thể thao biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, tàu lượn, khinh khí cầu...

PV: Theo tình hình thực tế, du khách đến Bình Thuận 10 năm nay không nhận thấy sự thay đổi nào lớn đối với đô thị Bình Thuận. Trong khi đó, muốn phát triển đô thị biển thì phải từ công tác quy hoạch. Vậy công tác quy hoạch hiện tỉnh đang làm như thế nào để khai thác thế mạnh thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay tỉnh Bình Thuận cũng đã tiến hành quy hoạch đô thị Phan Thiết và quy hoạch các vùng lân cận để hình thành một trung tâm du lịch thể thao biển quốc gia. Chúng tôi xác định là trong thời gian tới sẽ phải cố gắng hoàn thiện tốt quy hoạch này. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một khoảng thời gian Phan Thiết phát triển không được như tốc độ mong muốn ban đầu.

Ban đầu, khi thời điểm hiện tượng nhật thực toàn phần được diễn ra vào ngày 24/10/1995, các nhà đầu tư tiến hành vào thăm dò khảo sát sau đó xuất hiện một làn sóng đầu tư mới ồ ạt của các nhà đầu tư có tâm huyết đầu tư tại Bình Thuận.

Từ đó, nhiều resort đã xuất hiện nhưng tốc độ trong những năm gần đây không được như kỳ vọng ban đầu. Còn chúng tôi thì quan tâm làm sao để tìm hiểu và định hướng cho quá trình phát triển này nhanh hơn.

PV: Những khó khăn gì khiến các nhà đầu tư lùi bước và tốc độ phát triển không được như mong muốn của tỉnh?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Bình Thuận ngoài những mặt lợi rất cơ bản thì cũng có nhưng khó riêng. Ban đầu sơ khai có thể tốc độ phát triển khá nhanh nhưng sau một thời gian thì tốc độ phát triển chậm lại đều có lý do của nó.

Trước hết là nói đến du lịch thì phải nói đến hệ thống giao thông. Hiện nay giao thông đối ngoại của Bình Thuận là vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu. Bình Thuận đang cố gắng quyết tâm trong một tương lai không xa sẽ phải hình thành sân bay. Sân bay không chỉ phục vụ cho khu vực lân cận mà sân bay để đón khách quốc tế và du khách ở các sân bay khác trên mọi miền tổ quốc.

Nếu có sân bay này thì sẽ giải quyết được thời gian mà du khách tới Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng, rút ngắn được khoảng cách di chuyển và tâm lý ngại đường xa cách trở. Khi có sân bay thì Bình Thuận không còn là vùng xa nữa.

Tiếp theo là vấn đề nhân lực, hiện Bình Thuận còn yếu kém về nhân lực ngành du lịch. Chúng tôi đang hướng tới phát triển du lịch cần phải có đội ngũ nhân lực, nguồn cung ứng nhân lực chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chuyên sâu để phục vụ đáp ứng sự hài lòng của du khách.

Không chỉ cần nguồn nhân lực phục vụ cho các nhà hàng, các khách sạn mà vấn đề là làm sao để huy động cả hệ thống chính trị vào làm việc và toàn dân phải vào cuộc.

Tôi cho rằng việc nâng cao trình độ dân trí để người dân hiểu tầm quan trọng của ngành du lịch đó là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành đa lĩnh vực, làm sao nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền, nâng cao trình độ văn minh, trình độ ứng xử đối với môi trường đối với thiên nhiên và đối với du khách tốt hơn.

Cái khó nhất là Bình Thuận hiện có mỏ khai thác quặng titan rất lớn. Theo quy định của Luật Khoáng sản nơi nào dưới có khoáng sản thì phía trên sẽ không có nhà cửa công trình kiến trúc. Và tương tự như thế thì hiện nay tại Bình Thuận đang có ít nhất 40 dự án bị đóng băng không thể triển khai.

PV: Tiêu chí nào để ông bảo vệ quan điểm Bình Thuận là vùng xa so với các địa phương vùng xa khác?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi vẫn thường nói với các đồng chí lãnh đạo Trung ương rằng, hiện nay Bình Thuận lại trở thành vùng xa, có đồng chí lãnh đạo Trung ương nói là lấy tiêu chí nào mà vùng xa?

Tôi nêu quan điểm, nếu lấy theo tiêu chí đi từ Thủ đô Hà Nội đến một tỉnh nào đó bằng phương tiện phổ thông nhất mà nếu thời gian trên 7 tiếng đồng hồ thì địa phương đó là vùng xa rồi.

Và nếu theo tiêu chí này thì Phú Quốc không phải là vùng xa, Buôn Mê Thuột không phải vùng xa, thậm chí Côn Đảo không phải vùng xa nhưng Bình Thuận chắc chắn lại là vùng xa.

Đi từ Hà Nội, phải đi vào TP Hồ Chí Minh rồi mới đi ra Bình Thuận mất trên 7 tiếng. Song song với sân bay thì chúng tôi cần chú ý đến đường cao tốc. Hiện nay, Trung ương cũng đã có chủ trương và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo từ các bộ, ban ngành về một tương lai không xa trên đường cao tốc Giầu Dây đến Nha Trang sẽ có tuyến đầu tiên là Dầu Giây đi Phan Thiết. Nếu có sân bay đường cao tốc thì người dân tại khu đô thị lớn có nhu cầu du lịch thì các loại hình giao thông trên sẽ rút ngắn thời gian cho du khách.

Hiện nay, đi từ TP Hồ Chí Minh ra Phan Thiết đường bộ mất 4 tiếng. Nếu trên đường Dầu Giây - Phan Thiết có đường cao tốc thì tốc độ chỉ còn 2 tiếng. Vì vậy các du khách có thể nghỉ cuối tuần buổi chiều rời thành phố và chiều Chủ nhật lại trở về vừa vặn. Như vậy lượng khách đến Phan Thiết chắc chắn sẽ tăng.

PV: Ngoài giao thông đối ngoại, vậy giao thông đối nội của Bình Thuận có gì tiến triển?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Cùng với đường giao thông đối ngoại thì hệ thống đường giao thông đối nội cũng phải được tiến hành làm. Hiện nay, Phan Thiết đi thẳng ra Mũi Né 27 km, chúng tôi đang tiến hành cố gắng song song cùng với đường 706 hiện nay cũng phải nâng cấp lên từ một làn xe lên bốn làn xe.

Không chỉ là trên đường Phan Thiết - Mũi Né mà tình hình đặt ra là 192km bờ biển đó thì tất cả các tuyến đường ven biển cũng phải tiến hành cải tạo. Đây là một trong những điều kiện để có thể tiến hành và thực hiện ngay.

PV: Xin hỏi ông về tình hình tiến độ đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết như thế nào, đây là vấn đề được nhà đầu tư và người dân quan tâm nhất?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Với đường sân bay, bắt đầu năm 2019 thủ tục cơ bản đã xong, có thể triển khai các hạng mục trong sân bay. Chính phủ đã thống nhất về mặt chủ trương và Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch sân bay Bình Thuận là sân bay cấp 4E với đường băng dài 3.050m, rộng 45m, các máy bay Boeing, các máy bay lớn có thể xuống được.

Hiện nay, sân bay Bình Thuận là một sân bay liên cửa. Phần quân sự là do Bộ Quốc phòng đầu tư còn phần dân sự là do một doanh nghiệp thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

Và hiện nay thành phần kinh tế ngoài Nhà nước dòng vốn đã sẵn sàng, chỉ đợi đường băng do Bộ Quốc phòng giao đất, tiến hành triển khai. Theo kế hoạch dự tính đầu năm 2019 tỉnh sẽ tiến hành nhận bàn giao nốt phần đất quân sự từ Bộ Quốc phòng, sau đó tiến hành thực hiện giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng tuyến đường đấu nối từ cao tốc vào sân bay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn www.baoxaydung.com.vn
Ninh Toàn (thực hiện)